Bớt rượu vang

Bớt rượu vang

1. Sơ lược về bớt rượu vang
          Bớt rượu vang (Port-wine stains-PWS) hay U mạch máu phẳng là dị tật mạch máu bẩm sinh. Những vết bớt này xuất hiện ở 0,3% đến 0,5% trẻ sơ sinh trên toàn thế giới, 70% đến 80% những vết bớt này xuất hiện ở vùng đầu và cổ, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý xã hội và sức khỏe của bệnh nhân.
          PWS được chia làm 4 loại: đỏ, tím, tăng sinh (phì đại) và khối (nốt sần). 

Hình 1. Các loại bớt rượu vang a) đỏ, b) tím, c) tăng sinh, d) phì đại. 


          PWS là bệnh tiến triển và đặc điểm bệnh lý của chúng có thể thay đổi theo thời gian. Nghiên cứu của James L. Finley và cộng sự cho thấy PWS có sự tăng sinh và giãn nở các mao mạch. PWS xuất hiện ban đầu dưới dạng các mảng phẳng, màu hồng đến đỏ, có thể dần dần tiến triển theo tuổi tác thành các tổn thương phì đại, màu đỏ đến tím. 
          Theo nghiên cứu của A. Troilius Rubin và cộng sự 27% bệnh nhân có tiền sử gia đình bị PWS. Tuy nhiên, các cơ sở khoa học cần được làm rõ hơn để đánh giá cụ thể về khả năng di truyền của PWS. Mặc dù còn nhiều vấn về cần được làm rõ, tuy nhiên có nhiều nghiên cứu đã cho thấy đột biến gen có liên quan đến sự hình thành PWS.


2. Các phương pháp điều trị hiện nay
          - Thuốc bôi Imiquimod 5% được sử dụng kết hợp với laser trong điều trị PWS. Ngoài ra Rapamycin (RPM) hay Sirolimus đường uống cũng đã được nghiên cứu thử nghiệm trong hỗ trợ điều trị PWS, ngăn ngừa tình trạng tái phát. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc thường chỉ mang tác dụng hỗ trợ điều trị và cần được bác sĩ chỉ định.
          - Điều trị bằng laser: Hiện nay, Laser xung màu (PDL), YAG, Alexandrite,… là những phương pháp phổ biến được sử dụng trong điều trị PSW.
          - Liệu pháp quang động (Photodynamic): Photodynamic sử dụng ánh sáng tác động đến chất cảm quang được đưa vào các mạch máu tăng sinh, đây là một phương pháp hiệu quả, an toàn trong điều trị PWS. Một số tác dụng phụ như: đỏ và sưng, tróc vảy, tăng sắc tố,… đã được ghi nhận trong một số nghiên cứu.
          - Ánh sáng xung cường độ cao (Intense Pulsed Light -IPL): Hiệu quả của IPL trong điều trị bớt rượu vang đã được chứng minh, đặc biệt đối với các bệnh nhân kháng PDL. Đây là phương pháp điều trị an toàn, tuy nhiên, hiệu quả điều trị thấp hơn đáng kể so với laser hay quang động. 
          - Ngoài ra các phương pháp như cắt, ghép da, mài da,… cũng từng được sử dụng trước đây, tuy nhiên phương pháp này không hiệu quả và kém an toàn.

 

3. Phương pháp tiêu chuẩn trong điều trị bớt rượu vang
          Laser xung màu (PDL) bước sóng 595 nm là chỉ định ưu tiên trong PSW. PDL có bước sóng được hấp thụ mạnh bởi oxyhemoglobin trong mạch máu dẫn đến tăng nhiệt độ cục bộ ở vùng đó, gây tổn thương và làm teo các mạch tăng sinh.
          Báo cáo  về hiệu quả của PDL trong điều trị PWS của Dong Li và cộng sự vào năm 2020 cho thấy tỷ lệ đáp ứng tốt (cải thiện >60%) là 51,4% và đáp ứng trung bình (từ 30% -60%) là 38,3%. Những bệnh nhân trẻ hơn với kích thước mạch máu lớn hơn (màu đậm hơn) và phì đại ít có hiệu quả lâm sàng tốt hơn so với những bệnh nhân khác. 
          Ngoài ra, laser alexandrite xung dài hay các loại laser khác như YAG cũng được sử dụng trong điều trị bớt rượu vang với tổn thương phì đại, kháng trị laser xung màu, nhưng cho hiệu quả không cao bằng PDL. 

 

4. Kết luận
          Bớt rượu vang (PWS) là bệnh thường gặp ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe người bệnh. Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả điều trị sẽ cao hơn nếu điều trị sớm. Laser xung màu (PDL) bước sóng 595 nm được xem là tiêu chuẩn vàng, được khuyến nghị trong điều trị PWS ở Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

          T. C. Duyệt, V. C. Lập, and H. V. Hiền, "Các Laser gây hiệu ứng phân hủy nhiệt chọn lọc trong điều trị các u mạch máu phẳng," in "Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học - Viện Vật lý Y Sinh học," 2003.
          J. K. Chen et al., "An overview of clinical and experimental treatment modalities for port wine stains," Journal of the American Academy of Dermatology, vol. 67, no. 2, pp. 289-304.e29, 2012/08/01/ 2012.
          L. Liu, X. Li, Q. Zhao, L. Yang, and X. Jiang, "Pathogenesis of Port-Wine Stains: Directions for Future Therapies," International Journal of Molecular Sciences, vol. 23, no. 20. doi: 10.3390/ijms232012139 
          L. Liu et al., "Histological analysis of different types of port-wine stains to guide clinical decision making: A retrospective study," Indian Journal of Dermatology, Venereology and Leprology, vol. 89, 2022.
          J. L. Finley, J. M. Noe, K. A. Arndt, and S. Rosen, "Port-wine Stains: Morphologic Variations and Developmental Lesions," Archives of Dermatology, vol. 120, no. 11, pp. 1453-1455, 1984.
          O. S. Duek and Y. Ullmann, "IPL for Port-Wine Stains," in Aesthetic Applications of Intense Pulsed Light, L. Fodor and Y. Ullmann, Eds. Cham: Springer International Publishing, 2020, pp. 129-143.
          D. Li, B. Chen, H. Zhang, Y. Yuan, W. Fan, and Z. Ying, "Retrospective study of the treatment of port-wine stains with 595-nm pulsed dye laser in 261 Chinese patients," Lasers in Medical Science, vol. 35, no. 8, pp. 1811-1819, 2020/10/01 2020.

 

Bài sau →
Icon-Youtube Youtube Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Lên đầu trang