Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay

I. Hội chứng ống cổ tay là gì?
       Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa chạy qua ống cổ tay, một khu vực hẹp ở cổ tay bị áp lực hoặc bị viêm. 
       Khi dây thần kinh này bị áp lực hoặc bị tổn thương, người bệnh có thể trải qua các triệu chứng sau:
       1. Đau và khó chịu ở cổ tay và ngón tay, đặc biệt ngón tay I (ngón cái), II, III và nửa ngoài ngón tay IV.
       2. Sưng và căng cơ ở cổ tay.
       3. Mất cảm giác, nhức mỏi, hoặc tê ở ngón tay và bàn tay.
       4. Yếu cơ, gây khó khăn trong việc cầm và nắm đồ vật.

II. Đừng để triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
       Khi các triệu chứng trở nên nặng hơn, bạn sẽ cảm thấy
       1. Ngứa ran trong ngày, đặc biệt khi thực hiện một số hoạt động nhất định như lái xe, hoạt động cổ tay lâu…
       2. Đau từ nhẹ đến nặng, tăng nặng vào ban đêm
       3. Mất một số cử động ở tay
       Trong những trường hợp mãn tính hoặc không được điều trị sớm, các cơ ở gốc ngón tay cái có thể co lại và teo đi. Một số người bị nặng không thể xác định được nóng và lạnh bằng cách chạm vào và có thể bị bỏng đầu ngón tay mà không biết.


III. Yếu tố nguy cơ gây nên Hội chứng ống cổ tay:
       1. Công việc hằng ngày: Làm việc với các dụng cụ rung hoặc các việc đòi hỏi phải gập cổ tay kéo dài và lặp đi lặp lại. Tạo áp lực có hại lên dây thần kinh giữa, đặc biệt nếu công việc được thực hiện trong môi trường lạnh.


       Các nghề phải vận động cổ tay nhiều như: thợ thủ công, tài xế, thợ cắt tóc, đánh máy, công việc công trường ….
       2. Các bệnh lý đi kèm: Tình trạng béo phì, viêm khớp, bệnh tiểu đường, cường giáp là những bệnh lý có liên quan đến hội chứng ống cổ tay.
       3. Sau tổn thương cổ tay: Do viêm khớp, dây chằng, viêm đơn dây, đa dây thần kinh hay cả các chấn thương cổ tay như trật khớp, gãy xương làm thay đổi không gian trong ống cổ tay.
       4. Thai kỳ: Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay.
       5. Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam giới vì phụ nữ có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn.


IV. Điều trị và Phục hồi hội chứng ống cổ tay:
       Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng và tình trạng của bạn đã tiến triển đến mức nào. Bạn có thể cần:
       - Các phương pháp không dùng thuốc:
              + Nẹp cổ tay: giúp hỗ trợ giữ bàn tay ở vị trí trung gian, giảm các hoạt động gập và xoay cổ tay liên tục và giảm áp lực lên dây thần kinh
              + Điều trị Vật lý trị liệu: trị liệu với các tác nhân siêu âm, laser, sóng xung kích…. giúp giảm viêm, giảm đau, cải thiện tình trạng.


       - Các phương pháp dùng thuốc:
              + Thuốc kháng viêm không steroid đường uống 
              + Tiêm corticoid tại vị trí đường hầm cổ tay
       - Phẫu thuật: nhằm giải ép thần kinh giữa khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả. 

        - Thay đổi lối sống: cần nghỉ ngơi thư giãn cổ tay khi hoạt động thường xuyên 
       - Bài tập vận động hỗ trợ: Các động tác kéo dãn cơ hoặc tăng cường sức mạnh giúp bạn dễ chịu hơn.

 

V. Làm sao để tôi biết có mắc hội chứng ống cổ tay hay không?
       Việc tự kiểm tra triệu chứng của hội chứng ống cổ tay có thể giúp bạn xác định xem có khả năng mắc phải tình trạng này hay không, nhưng việc chẩn đoán cuối cùng nên dựa vào sự tư vấn và kiểm tra từ bác sĩ chuyên khoa. Dưới đây là một số triệu chứng chính mà bạn có thể tự theo dõi:
       1. Đau thường xuất hiện ở bên trong cổ tay và có thể lan ra các ngón tay, đặc biệt ngón tay I (ngón cái), II, III và nửa ngoài ngón tay IV. 
       2. Sưng và căng cơ ở cổ tay: đặc biệt sau khi hoạt động cổ tay lâu hoặc khi thức dậy vào buổi sáng.
       3. Mất cảm giác ở ngón tay và bàn tay: điều này có thể làm mất khả năng cảm nhận nhiệt độ, áp lực và đôi khi bạn có thể cảm thấy tê.
       4. Yếu cơ: gặp khó khăn khi thực hiện các động tác cầm nắm đồ vật.
       5. Dấu hiệu Phalen dương tính: có thể tự kiểm tra bằng cách gập cổ tay tối đa 90 độ trong thời gian ít nhất là 1 phút gây cảm giác tê tới các đầu ngón tay.
       6. Dấu hiệu Tinnel dương tính: có thể tự kiểm tra bằng cách gõ trên ống cổ tay ở tư thế duỗi cổ tay tối đa gây cảm giác đau hay tê giật lên các ngón tay.
       Nếu bạn trải qua những triệu chứng này và nghi ngờ mình mắc hội chứng ống cổ tay, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và xác định xem bạn có bị hội chứng ống cổ tay hay không, sau đó đề xuất phương pháp điều trị phù hợp để giảm triệu chứng và cải thiện tình trạng của bạn.



 

 
Bài sau →
Icon-Youtube Youtube Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Lên đầu trang