MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU VAI GÁY
Thoái hóa: Theo tuổi tác, các đốt sống và đĩa đệm ở cổ sẽ mòn dần., có thể bị đau cổ dai dẳng hoặc mạn tính nếu chúng bị thoái hóa. Một số tình trạng bệnh lý cũng khiến cho đốt sống, đĩa đệm hay các bộ phận khác ở cổ bị phá vỡ. Những tình trạng đó bao gồm:
– Viêm
– Chèn ép dây thần kinh
– Gãy cổ
– Viêm khớp
– Thoái hóa đĩa đệm ở cổ
Do tư thế: Tư thế khi ngủ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau vai gáy. Khi ngủ dậy vào buổi sáng, cảm thấy cứng, đau ở vùng vai, lưng hay cổ có thể do đã ngủ sai tư thế. Có thể do nằm gối quá cao hoặc tối nằm đè lên vật gì, hoặc do nệm quá cứng… Cơn đau cũng có thể do tư thế không đúng gây ra như khi ngồi làm việc với máy tính, sử dụng điện thoại với tư thế cúi cổ… Cổ không giữ thẳng hàng với cột sống trong thời gian dài có thể làm căng các cơ ở đó.
Stress: Với những người bị stress, bên trong cơ thể sẽ sản xuất ra các hóa chất gây căng thẳng thần kinh, điển hình như cortisol. Đây là các hóa chất cực kỳ nguy hiểm gây phá hủy hệ thống thần kinh và cơ xương khớp trong cơ thể, thậm chí phá hủy hệ thống miễn dịch và tiêu hóa của người bệnh. Đặc biệt khi bị stress thường xuyên các hóa chất này sẽ càng được sản xuất ra nhiều hơn, chúng xâm nhập và tàn phá hệ gân cơ xương khớp, khiến bệnh nhân bị co cứng cơ vùng cổ vai gáy kèm theo đau khớp…
Chấn thương đám rối thần kinh cánh tay: Nếu các dây thần kinh liên kết với tủy sống đến tay bị tổn thương, chúng có thể gây đau cổ. Nếu một chấn thương nào đó ở cổ ảnh hưởng đến đám rối thần kinh này, cơn đau cũng có khả năng xuất hiện ở bàn tay. Một nguyên nhân phổ biến của chấn thương đám rối thần kinh cánh tay là chấn thương kín (blunt force trauma), xảy ra do chấn thương thể thao hoặc tai nạn xe.
Chấn thương đột ngột ở cổ: Chấn thương xảy ra ở cổ khi mà đầu bị bật về phía trước sau đó quay trở lại vị trí cũ rất nhanh. Mọi người thường nghĩ chấn thương này liên quan đến tai nạn xe hơi, nhưng thực tế nó cũng có thể là do các hoạt động thể thao và những chuyển động đột ngột khác gây ra.
Bệnh lý rễ tủy cổ: Đây là tình trạng dây thần kinh bị chèn ép, xảy ra khi các dây thần kinh bắt nguồn từ tủy sống ở cổ bị kích thích gây ra cảm giác đau lan tỏa xuống cánh tay. Mặc dù bệnh lý có thể dẫn đến đau vai gáy nhưng các triệu chứng chính khác bao gồm:
– Tê ở cánh tay
– Có cảm giác như kim chích trong cánh tay
– Đau hoặc yếu một phần cánh tay
Hai nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh lý rễ tủy cổ là thoái hóa đốt sống cổ hay viêm khớp cổ và trượt đĩa đệm.
Những nguyên nhân hiếm gặp của đau vai gáy: Có một số nguyên nhân gây đau vai gáy ít phổ biến hơn nhưng chúng có thể nghiêm trọng hơn, bao gồm:
– Viêm khớp dạng thấp
– Ung thư
– Chấn thương nghiêm trọng
– Tổn thương dây thần kinh, đốt sống hoặc tủy sống
– Nhiễm trùng…
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH
Các triệu chứng của bệnh đau cứng cổ vai gáy có các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào từng loại nguyên nhân mà sẽ có các triệu chứng tương ứng với những nguyên loại nhân đó:
- Hội chứng đau cổ vai gáy
- Các triệu chứng của hội chứng này là bệnh nhân có cảm giác đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng cổ, gáy. Vận động vùng này gặp nhiều khó khăn khi xoay, cúi hoặc ngửa cổ.
- Những trường hợp nặng người bệnh đôi khi có cảm giác đau nhói, ấn vào có cảm giác đau.
- Hội chứng xuất hiện khi có các chấn động gây tổn thương vùng cổ gáy hoặc ngồi sai tư thế thời gian dài gây ra.
- Hội chứng dây thần kinh
- Hội chứng này xuất hiện khi các dây thần kinh vùng cổ bị chèn ép gây ra tổn thương lên các dây này. Người bệnh có biểu hiện đau vùng chẩm đau lan lên huyệt thái dương, đau vùng cổ gáy đau lan xuống vai, xuống cánh tay, cẳng tay gây tê bì. Cảm giác đau tăng khi vận động đầu cổ về hướng có vùng đau.
- Người mắc hội chứng này có cảm giác dễ chịu khi day bấm, xoa bóp vùng đau lan. Nhưng sau khi xoa bóp một thời gian lại có cảm giác đau lại, thậm chí đau tăng sau ốm hoặc cảm cúm.
- Các hội chứng khác
- Bệnh nhân có cảm giác đau ê ẩm, tê bì cùng chẩm, hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng.
- Các triệu chứng toàn thân như sốt, lạnh run, thị lực giảm, sụt cân, 2 tay tê bì nhanh mỏi.
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ ĐAU VAI GÁY
– Tập các động tác giãn cơ đơn giản: Người bệnh có thể tập một vài động tác giãn cơ đơn giản, dễ dàng thực hiện tại nhà để giúp giảm đau vai gáy. Tuy nhiên, tư thế khi tập cực kì quan trọng do đó bạn phải làm đúng kĩ thuật mới có thể kiểm soát tốt cơn đau.
– Phương pháp xoa bóp: Sử dụng tay tác động sâu vào mô cơ giúp giảm đau nhức cơ. Xoa bóp có đặc điểm là dùng sự khéo léo và sức mạnh của đôi tay là chính để tác động lên huyệt, da thịt, gân khớp của người được xoa bóp một lực thích hợp tạo cho người được xoa bóp cảm giác sảng khoái nhằm làm dịu đi chứng đau mỏi của cơ, khớp, thần kinh. Làm tăng tính đàn hồi của cơ, tăng khả năng làm việc, sức bền cơ và làm giãn những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó.
– Thay đổi tư thế học tập hay làm việc: Nếu đau vai gáy là kết quả từ việc ngồi không đúng tư thế, hãy cố gắng ngồi thẳng lưng và xem lại độ cao của bàn ghế đang sử dụng. Xem lại thói quen khi ngồi viết hoặc sử dụng điện thoại.
– Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu đau vai gáy là liệu pháp điều trị được nhiều bệnh nhân lựa chọn vì những lợi ích sau đây:
- Không dùng thuốc tránh được nhiều tác dụng phụ có hại cho dạ dày, gan, thận.
- Không phẫu thuật, hạn chế nhiều rủi ro, tiết kiệm chi phí.
- Giảm đau nhanh chóng, ngăn ngừa cơn đau tái phát.
- Hạn chế co cứng khớp cổ hiệu quả.
- Tăng cường khả năng lưu thông máu đến vùng vai gáy và cổ.
- Giúp các cử động ở vùng cổ và vai gáy trở lại bình thường và linh hoạt hơn.
Vật lý trị liệu có thể giảm bớt các cơn đau vai gáy tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh điều trị khu vực bị ảnh hưởng với các chỉ định điều trị cho từng cá nhân. Mục tiêu của phương pháp này là tăng cường sức mạnh cơ bắp ở khu vực bị tổn thương, đồng thời giải tỏa căng thẳng cho các cơ. Vật lý trị liệu như sóng xung kích, sóng ngắn, siêu âm,… là những phương pháp hỗ trợ điều trị bảo tồn vừa an toàn lại hiệu quả đang được rất nhiều người áp dụng chữa trị hiện nay. Xin giới thiệu các phương pháp sau:
1. Vật lý trị liệu thụ động:
- Chườm lạnh hoặc chườm nóng: Người bệnh có thể chườm lạnh nóng để hỗ trợ giảm sưng, giảm đau. Trong khi đó, chườm nóng có thể tăng cường lưu lượng máu và thả lỏng các cơ. Trong một số trường hợp người bệnh có thể kết hợp chườm nóng và chườm lạnh để tăng cường hiệu quả điều trị.
- Liệu pháp xoa bóp: Xoa bóp, massage có thể được thực hiện để hỗ trợ thư giãn và hạn chế tình trạng căng cơ. Điều này có thể hỗ trợ giảm đau và cứng. Khi chữa đau cổ, vai gáy, thông thường nhà vật lý trị liệu sẽ xoa bóp vùng gáy và các khu vực xung quanh, kể cả lưng và vai.
- Điện trị liệu: Điện trị liệu sử dụng các thiết bị đặc biệt để đưa dòng điện đến khu vực đau đớn. Phương pháp này có thể kích thích co thắt cơ, thay đổi tín hiệu đau và hỗ trợ cải thiện tình trạng đau vai gáy. Kích thích thần kinh điện qua da là phương pháp vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm phổ biến nhất. Cụ thể, phương pháp này kích thích các dây thần kinh cảm giác và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
- Siêu âm: Bác sĩ sẽ thoa một loại gel lạnh lên khu vực cổ vai gáy, sau đó sử dụng một thiết bị siêu âm cầm tay, chà xát lên da, đồng thời truyền sóng âm năng lượng cao đến bên dưới da và các mô. Phương pháp này có thể mang lại cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng và giúp người bệnh cảm thấy thư giãn.
- Sóng ngắn: Nhiệt sóng ngắn còn ức chế các sợi dẫn truyền cảm giác đau. Trên hạch giao cảm, nhiệt khối tác dụng lên các hạch giao cảm cổ và thắt lưng làm dịu và giảm căng thẳng của hệ thần kinh thực vật, do đó có tác dụng giảm đau ở nội tạng. Tác dụng giảm đau còn do tăng tuần hoàn cục bộ làm tăng thải trừ các sản phẩm chuyển hóa, tái hấp thu các dịch tiết bị tích tụ, ngoài ra tăng nhiệt còn làm giãn và giảm trương lực cơ vân.Với liều điều trị nhiệt khối gây giãn mạch, giảm ứ đọng, tăng cường lưu lượng máu lưu thông. Ngược lại với liều mạnh và thời gian kéo dài lại có tác dụng co mạch thậm chí đe dọa tắc mạch. Tác dụng lên hệ thần kinh vận động: Khi điều trị băng sóng ngắn kết hợp với vận động liệu pháp sẽ làm tăng nhanh sự dẫn truyền thần kinh vận động, điều này đáp ứng tốt cho công việc phục hồi chức năng.
2. Vật lý trị liệu chủ động:
Thực hiện các bài tập kéo căng cổ:
Có nhiều bài tập có tác dụng kéo giãn cơ tác động trực tiếp đến cột sống cổ. Điều này có thể điều trị cơn đau cổ và giúp cổ trở nên linh hoạt hơn. Các bài tập vật lý trị liệu phổ biến dành cho cổ bao gồm:
Động tác rắn hổ mang (Prone Cobra):
- Người tập nằm úp mặt xuống, đặt trán trên một chiếc khăn tay cuộn trên sàn để tạo sự thoải mái;
- Đặt lưỡi ở vòm miệng (điều này có thể hỗ trợ ổn định phía trước cổ để tăng cường sức mạnh);
- Đặt cánh tay ở hai bên cơ thể, lòng bàn tay úp xuống sàn.
- Chụm hai bả vai lại với nhau và nâng hai tay lên khỏi sàn nhà;
- Hướng khuỷu tay vào trong cơ thể, lòng bàn tay hướng ra ngoài và giơ ngón cái lên;
- Nhẹ nhàng nâng trán lên khỏi mặt đất khoảng 5 – 8 cm, giữ mắt nhìn xuống sàn nhà (không ngẩng đầu ra sau hoặc nhìn về phía trước);
- Giữ yên tư thế trong 10 giây;
- Thực hiện động tác trong 10 lần.
Bắt đầu động tác trong 10 giây và lặp lại 10 lần. Khi đã quen với động tác người bệnh có thể tăng thời gian luyện tập để tăng cường sức mạnh cổ.
Bài tập căng cổ:
- Người tập ngồi thẳng với hai tay ở hai bên cơ thể;
- Nâng cánh tay phải vươn ra phía sau, bàn tay nắm lấy bả vai phải và dùng lực ép xuống;
- Trong khi giữ yên tay phải, người bệnh xoay đầu sang trái một góc 45 độ (tức là một nửa về phía vai trái);
- Nghiêng cằm xuống đến khi cảm thấy căng ở bên phải cổ;
- Có thể sử dụng tay trái đặt phía sau đầu và kéo nhẹ xuống thêm một chút nữa;
- Để yên trong 30 – 60 giây và lặp lại với phần vai trái.
Bài tập này có thể được thực hiện vài lần mỗi ngày, chẳng hạn như vào buổi sáng hoặc buổi chiều để cải thiện các vấn đề ở cổ vai gáy.
Bài tập tăng cường lưu lượng máu:
Có nhiều bài tập tăng cường lưu lượng máu có thể tác động đến cột sống cổ và cải thiện các triệu chứng liên quan. Cụ thể các bài tập bao gồm:
- Đi bộ: Đi bộ với tốc độ nhanh và nhịp nhàng có thể hỗ trợ tăng cường lưu lượng máu và giảm đau vai gáy cũng như đau vai.
- Sử dụng máy chạy bộ: Các thiết bị này mô tả quá trình đi, chạy và leo cầu thang của người bệnh. Thường xuyên tập luyện có thể tăng cường sức đề kháng, sức mạnh cơ bắp và phòng ngừa cơn đau vai gáy tái phát.
- Đi xe đạp cố định: Một chiếc xe đạp cố định có thể mô phỏng động tác đi xe đạp khi người dùng tác động lực lên bàn đạp. Đi xe đạp cố định có thể giữ cột sống thẳng và tránh được một số bệnh cơ xương khớp liên quan.
- Bơi lội: Bơi lội và tập thể dục dưới nước có thể tăng cường bổ sung và sự nâng đỡ dưới nước để ngăn ngừa các cơn đau vai vai cấp tính.
Thực hiện vật lý trị liệu cổ vai gáy có thể hỗ trợ cải thiện cơn đau, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và phòng ngừa các vấn đề tái phát trong tương lai. Tuy nhiên, điều quan trọng là thực hiện trị liệu theo hướng dẫn của nhà vật lý trị liệu có chuyên môn để tránh các rủi ro liên quan.
-----------------------------------------------
VIỆN VẬT LÝ Y SINH HỌC
Địa chỉ: 109A Pasteur, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM
Điện thoại: 0283 8299 322
Hotline: 0937 980 086 (BS.CKI Lại Hải Bình) hoặc 0981 107 109 (Chăm sóc khách hàng). Quét mã QR bên trên bài viết để được tư vấn trực tiếp qua Zalo.
Email: tuvandieutri@biomedvn.com
Lịch làm việc:
- Thứ 2 - Thứ 6: 7:30 – 17:00 ; Nghỉ trưa: 11:30 - 13:00; Khám ngoài giờ VLTL: 17:00 - 20:00
- Thứ 7: (Khám ngoài giờ VLTL & Laser thẩm mỹ) 8:00 - 16:00 ; Nghỉ trưa: 11:00 - 13:00
- Chủ Nhật: Nghỉ