Điều trị tổn thương sắc tố bẩm sinh và mắc phải

Điều trị tổn thương sắc tố bẩm sinh và mắc phải

Đã từ lâu Y học nhìn nhận việc điều trị tổn thương sắc tố da bẩm sinh là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta vẫn gặp những người dù đã lớn tuổi vẫn mang trên mình loại tổn thương này, mặc dù đã không ít lần họ tới bệnh viện, nhưng đều thất vọng.

1. Tổn thương sắc tố da bẩm sinh là gì?

Tổn thương sắc tố da bẩm sinh là những u da hình thành do nghịch tạo, thường có ranh giới rõ và cấu trúc đa dạng. Đó là sự rối loạn sắc tố vô hình thù theo từng đám do sự thay đổi mật độ hắc tố (melanin), thường xuất hiện ngay từ trong quá trình phát triển của bào thai hoặc sau khi sinh. Rối loạn sắc tố bẩm sinh có thể ở dạng tăng sắc tố như : Nevus Ota, nevus Ito, bớt có mầu cà phê sữa, vết Mông cổ, nevus xanh, nevus hắc bào. Ngoài ra còn có các dạng bất thường mắc phải khác như: Rám da, nevus Hori, nevus Becker, tàn nhang, da đồi mồi, nevus spilus, nốt ruồi ác tính, nevus xanh ác tính, tăng sắc tố sau viêm nông và sâu, u sừng tăng tiết bã, da đốm kiểu Civatte v.v... Về rối loạn giảm sắc tố có bạch tạng ( albimism ) dạng cục bộ hay toàn thân.

Melanin do hắc bào sản xuất ra. Hắc bào là tế bào có nguồn gốc từ mào thần kinh, trong quá trình phát triển của phôi thai hắc bào di cư đến lớp đáy của biểu bì và ở đấy chúng sản xuất ra melanin. Tuy nhiên trong một số trường hợp thì sự di cư này đã không diễn ra một cách hoàn hảo và hắc bào mắc lại ở các lớp mô sâu hơn, chẳng hạn như ở các lớp thuộc chân bì. Nếu hắc bào phân bố một cách đồng đều và chức năng sản xuất ra melanin của nó diễn ra bình thường thì da của chúng ta có tông mầu đồng đều, trừ những vùng bị phơi nắng kéo dài. Khi mật độ hắc bào cùng với hoạt tính của chúng ở một vùng nào đó cao hơn bình thường thì mật độ melanin tại vùng đó sẽ vượt trội hơn hẳn vùng xung quanh và xuất hiện tổn thương tăng sắc tố da.

2. Tổn thương sắc tố da bẩm sinh có lành tính không?

Đa số tổn thương sắc tố da bẩm sinh đều là những tổn thương lành tính, không ảnh hưởng tới sức lao động và không có biểu hiện của dấu hiệu di truyền. Ở đây tổn thương nặng nề nhất lại là vấn đề thẫm mỹ. Tổn thương sắc tố bẩm sinh thường gặp nhất vẫn là nevus of Ota, đó là một dạng u lành tính của tế bào sắc tố da, có mầu xanh đen thường phân bố ở vùng nhánh thứ nhất và nhánh thứ hai của dây thần kinh tam thoa (trigeminal nerve). Có 50% xuất hiện ngay lúc sinh, 50% còn lại thường xuất hiện ở thập kỷ thứ hai. Nữ chiếm 80%. Khư trú hầu hết  ở nữa vùng mặt và có khi xuất hiện cả ở kết mạc, giác mạc và niêm mạc. Là dạng tổn thương lành tính, nhưng khi xuất hiện ở mắt có thể có sự thoái hóa ác tính, tuy rất hạn hữu ( theo Roy G.Geronemus).

3. Điều trị tổn thương sắc tố bẩm sinh và mắc phải như thế nào?

Trước khi Laser ra đời (1960), đã có rất nhiều phương pháp nhằm loại bỏ những tổn thương sắc tố da. Một vài phương pháp có hiệu quả với các tổn thương sắc tố nằm ở lớp biểu bì, nhưng không loại bỏ được những sắc tố nằm sâu ở những lớp chân bì. Phải tới năm 1981 khi Parrish và Anderson nêu ra được lý thuyết phân hủy quang nhiệt chọn lọc thì việc điều trị các tổn thương sắc tố bẩm sinh mới chứa đựng nhiều huy vọng.

Ngày nay, có rất nhiều thiết bị Laser có thể thực hiện kỹ thuật phân hủy quang nhiệt chọn lọc. Vấn đề còn lại là phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của các Bác sĩ chuyên khoa  trong việc đặt ra được một chẩn đoán, trên cơ sở đó mà tính toán nên dùng loại Laser gì và các thông số kỹ thuật phù hợp nhất cho từng loại tổn thương. Kết quả điều trị cũng còn phụ thuộc vào diện tích, vị trí, đặc biệt là độ nông sâu của lớp tổn thương sắc tố. Khi can thiệp vào vùng gần mắt thì việc che chắn cho mắt của bệnh nhân là điều hết sức quan trọng.

Trước khi thực hiện trị liệu bệnh nhân cần ngừng uống các thuốc chống đông máu ít nhất là 7 ngày, cần làm sạch các chất nhờn và mỹ phẩm trước khi trị liệu.

Việc chăn sóc da sau liệu pháp cần được bệnh nhân tuân thủ một cách chặt chẻ, tránh lao động nặng trong 48 giờ đầu, đề phòng khả năng nhiễm trùng, không chà xát mạnh lên vùng da mới trị liệu, giữ ẩm vùng da trị liệu bằng nước sạch, tránh uống Aspirin trong 15 ngày sau trị liệu. Điều dể làm nhất đó là cần sử dụng các thiết bị che chắn nắng hoặc dùng kem chống nắng. Khoảng cách thời gian giữa hai lần trị liệu là 8 tuần. Trong thời gian này để làn da được phục hồi nhanh, bạn có thể dùng thêm các thức uống có chứa nhiều sinh tố và yếu tố vi lượng, dùng thêm kem dưỡng da và tránh dùng các mỹ phẩm trang điểm có các hoạt chất độc hại. Số lần trị liệu có thể phải mất từ 7-15 lần cho việc làm sạch tổn thương. Sẹo có thể xuất hiện trên những bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi hoặc hạn hữu hơn ở những bệnh không thực hiện đúng các chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong 30 năm qua, Viện Vật lý Y Sinh học đã sử dụng nhiều loại thiết bị Laser hiện đại để tiến hành điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân có tổn thương sắc tố bẩm sinh và mắc phải. Kết quả đã mang tới sự hài lòng cho bệnh nhân và xua tan bóng mây đen mặc cảm trong đời sống riêng tư của họ. Từ kinh nghiệm của nhiều năm thực hiện kỹ thuật phân hủy chọn lọc, chúng tôi đã giúp nhiều thẫm mỹ viện trong cả nước triển khai kỹ thuật này.

Một số hình ảnh điều trị tổn thương sắc tố bẩm sinh và mắc phải:

Ảnh Bớt Ota (Ota nevus)  trước và sau điều trị

Ảnh Bớt Ota (Ota nevus)  trước và sau điều trị

Ảnh Bớt Ota (Ota nevus)  trước và sau điều trị

Phòng Y học/Viện Vật lý Y Sinh học

 

 

 

← Bài trước Bài sau →
Icon-Youtube Youtube Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Lên đầu trang